Xác định đào tạo, dạy nghề là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm nghèo bền vững, huyện Sơn Tịnh đã tập trung mở các lớp dạy nghề dành cho người nghèo, có thu nhập thấp. Kiến thức từ các lớp học giúp người dân định hướng được cách làm ăn phù hợp, phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế.
Phù hợp với người nghèo
Sau khi được truyền đạt kiến thức tại lớp tập huấn trồng nấm trên UBND xã Tịnh Bình, bà Hà Thị Ngân (47 tuổi), ở thôn Bình Nam, cùng các học viên liền thực hành, triển khai trồng nấm rơm tại vườn nhà. Sau vài ngày, phôi nấm nhô lên và có thể cho thu hoạch trong khoảng 13 ngày đến. Đây là thành quả của bà và các học viên sau một tháng được giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc (Lâm Đồng) hướng dẫn.
Bà Ngân nhận thấy, trong các loại nấm thì nấm rơm dễ triển khai nhất. Theo bà, trồng nấm rơm không khó nhưng phải thực hiện đúng hướng dẫn mới đạt kết quả như mong đợi. Ngoài việc xử lý rơm đúng cách, người trồng cần chọn giống meo tốt, đúng tuổi, không nhiễm khuẩn thì mới cho năng suất và chất lượng cao. Việc theo dõi nhiệt độ và độ ẩm tại khu vực trồng nấm cũng là một khâu quan trọng.
“Thiếu sinh kế làm ăn, sau mỗi vụ lúa, chồng tôi phải đi bán móc khóa dạo, nuôi 5 đứa con đi học. Tôi muốn triển khai một mô hình nào đó để vợ chồng cùng làm nhưng nguồn vốn hạn hẹp. Trồng nấm rơm phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, lại nhanh chóng thu hồi vốn”, bà Ngân khẳng định.
Toàn xã Tịnh Bình hiện còn 31 hộ nghèo và 65 hộ cận nghèo. Đây là trăn trở rất lớn của chính quyền địa phương. Xác định việc đào tạo, dạy nghề cho người nghèo là giải pháp bền vững về lâu dài để giảm nghèo, từ kinh phí Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững được huyện phân bổ về, với sự hỗ trợ của Phòng LĐ - TB&XH huyện Sơn Tịnh, xã Tịnh Bình đã triển khai tập huấn, đào tạo các mô hình trồng nấm cho người dân địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Bình Bạch Đông Vỹ, địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các mô hình trồng nấm, đặc biệt là nấm rơm. Chính vì thế, việc nhân rộng, triển khai mô hình cho học viên tham gia các lớp học sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Qua rà soát, gần 30 trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người có thu nhập thấp có những tiêu chí phù hợp thực hiện mô hình trong thời gian tới.
“Với nguồn rơm dồi dào, sẵn có ở địa phương, chỉ cần đầu tư chưa đến 5 triệu đồng, người dân có thể sở hữu một trại sản xuất nấm với diện tích khoảng 100m2 và có thể thu về lợi nhuận từ 7 - 10 triệu đồng sau một tháng triển khai. Chi phí đầu tư thấp, giá trị kinh tế cao, đó là lợi thế để người nghèo nói chung dễ tiếp cận, triển khai ”, ông Vĩ cho hay.
Mở lớp theo nhu cầu
Vừa qua, Phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tịnh phối hợp với các đơn vị, địa phương khai giảng 4 lớp đào tạo, dạy nghề tại các xã, gồm: Tịnh Minh, Tịnh Hà, Tịnh Bình, Tịnh Giang. Học viên tham gia là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người có thu nhập thấp.
Không chỉ định hướng cho người dân lựa chọn nghề nghiệp, làm ăn, phát triển kinh tế mà các lớp đào tạo, dạy nghề còn tập trung dạy kỹ năng phục vụ chăm sóc cây trồng, vật nuôi, vốn là thế mạnh ở nông thôn; hướng dẫn, cầm tay, chỉ việc để người dân vừa được cập nhật kiến thức mới, vừa ứng dụng ngay trong thực tiễn. Từ đó, địa phương sẽ có hướng hỗ trợ sinh kế phù hợp cho người nghèo và giúp họ phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế.
Nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Văn Báu (51 tuổi), một hộ nghèo ở thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà phụ thuộc vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước đây, mỗi lần heo, gà, bò bị dịch bệnh, dù nhẹ hay nặng, ông rất lúng túng trong cách phòng, chữa bệnh.
Từ ngày tham gia lớp tập huấn về thú y do Phòng LĐ - TB&XH huyện Sơn Tịnh phối hợp cùng UBND xã Tịnh Hà triển khai, việc chăm sóc sức khỏe cho đàn vật nuôi trở nên thuận lợi hơn. Khi đã có kỹ năng, kiến thức về thú y, ông tự tin trong chăm sóc heo, bò của gia đình. Bây giờ, trong nhà ông lúc nào cũng sẵn sàng các thiết bị, vật tư y tế cần thiết chăm sóc đàn vật nuôi. Chỉ cần gia súc, gia cầm có dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi là ông phỏng đoán được bệnh tật.
“Sắp tới đây, chính quyền địa phương có hỗ trợ tôi 6 con heo giống. Tôi sẽ quyết tâm phát huy hiệu quả sinh kế được trao tặng. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước từ việc đào tạo, dạy nghề cho đến hỗ trợ sinh kế làm ăn, là động lực tinh thần để bản thân nỗ lực hơn nữa, lo cho vợ đang bệnh nặng và vực dậy kinh tế gia đình sớm nhất”, ông Báu chia sẻ.
Phó Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Sơn Tịnh Lê Quế Anh cho hay, đào tạo, dạy nghề cho người dân là nội dung quan trọng trong Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Năm 2024, phòng sẽ phối hợp với UBND các xã tổ chức 11 lớp đào tạo, dạy nghề cho khoảng 400 học viên là người dân ở 11 xã trên địa bàn huyện, với tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Các lớp còn lại vẫn đang tiếp tục tổ chức, triển khai trong thời gian đến.
“Đối tượng theo các lớp đào tạo, dạy nghề hoàn toàn do địa phương rà soát và lựa chọn. Địa phương có tiềm năng, lợi thế về chăn nuôi sẽ đề xuất để mở lớp đào tạo kỹ năng phục vụ phát triển chăn nuôi. Địa phương có lợi thế về trồng trọt chiếm phần lớn thì mở lớp cập nhật kiến thức về trồng trọt... Ngành luôn khuyến khích chính quyền địa phương mở lớp theo nhu cầu chứ không mở theo kế hoạch”, ông Anh cho hay.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành LĐ - TB&XH huyện, cùng chính quyền địa phương, các cơ sở đào tạo và người dân đã mang lại hiệu quả cao trong công tác đào tạo, dạy nghề ở huyện Sơn Tịnh; góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Theo Báo Quảng Ngãi
Bài, ảnh: THIÊN HẬU