Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành thông tin và truyền thông Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Các Bộ, ngành, địa phương đang hết sức nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Theo Phó thủ tướng, trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT nước ngoài. Để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, việc rà soát và cập nhật chính sách thu hút đầu tư cần trở thành một nội dung quan trọng trong tiến trình số hóa của quốc gia.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng lưu ý, trong nền kinh tế số hiện nay, dữ liệu là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng. Chính phủ và các ngành đang thực hiện nhiều công việc để tập hợp dữ liệu, tạo thành nguồn tài nguyên chung để tất cả cùng khai thác, tìm kiếm cơ hội lập nghiệp.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, lợi ích đầu tư vào CNTT ở giai đoạn hiện nay gồm: Lợi ích từ ưu đãi và quyết tâm của Chính phủ cũng như các Bộ, Ban, ngành, các địa phương.
Các chính sách thuế ưu tiên, các nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng, các giới luật luôn được cập nhật để theo cùng sự phát triển năng động của ngành. Sự phát triển mạnh mẽ Chính phủ điện tử và hạ tầng CNTT- viễn thông là hai ví dụ cho thấy sự quyết tâm cao của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn
Lợi ích từ nền kinh tế thị trường mở cửa, Việt Nam đang là mảnh đất hỗ trợ cái mới, thị trường đáp ứng với cái mới rất nhanh và mạnh. Khi có một thị trường mở và nhạy thì CNTT sẽ phát huy được các điểm mạnh của sự linh hoạt và luôn đổi mới của ngành TT&TT.
Lợi ích và cũng là cơ hội cho ngành CNTT Việt Nam, đó là sự phát triển nhanh, mạnh được ví như là một cuộc cách mạng - Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh đó là IoT, xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, máy móc tự học hỏi đều dựa trên mũi nhọn là CNTT.
“Nếu chúng ta quyết tâm thực hiện, thời cơ bây giờ là rất thuận lợi. Nếu đủ tâm đủ tầm và quyết tâm, các nhà đầu tư sẽ thành công lớn. Thành công của các nhà đầu tư sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh sự phát triển và thu ngắn khoảng cách so với các nước trên thế giới, đặc biệt ở lĩnh vực CNTT”, bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị, xúc tiến theo hướng tạo hệ sinh thái tương hỗ, kết nối nội lực của các đơn vị trong và ngoài nước và Chính phủ. Mặt khác,trong cuộc “chuyển đổi số” này, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định để giúp Việt Nam nhanh chóng tận dụng và nắm bắt được thời cơ.
Bộ TT&TT tạo điều kiện phát triển cho các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng băng rộng cáp quang, triển khai 4G, IPv4 nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng kết nối cả về chất lượng lẫn tính đa dạng các dịch vụ viễn thông phục vụ cho phát triển CNTT và đảm bảo được tính truy nhập, tính công bằng kết nối hạ tầng cho các nhà đầu tư và thụ hưởng đầu tư.
Liên quan tới vấn đề an toàn đầu tư, luật bảo vệ an toàn không gian đầu tư, Bộ TT&TT đã, đang và sẽ tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về CNTT-TT, trọng tâm là sửa đổi Luật CNTT.
Bên cạnh đó, một yếu tố cần ưu tiên trong đầu tư là các Nhà khởi nghiệp (Start up), hy vọng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ phát triển vượt bậc cả trong và ngoài nước, các nhà đầu tư nên tận dụng lĩnh vực này.
Bộ TT&TT sẽ chủ động kết nối giao thương CNTT với các nước trong khu vực Asean, đồng thời đẩy mạnh thông tin truyền thông để kết nối với các nhà đầu tư ở cả trong nước và quốc tế. Chính phủ luôn hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam khát vọng chinh phục và đầu tư ra nước ngoài…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tham quan các sản phẩm trưng bày tại khu Triển lãm.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành thông tin và truyền thông Việt Nam, do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng sự phối hợp tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các hiệp hội gồm Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam.
Hội nghị với mục tiêu nhằm tham vấn chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt là thương mại điện tử, smart city, IoT và các doanh nghiệp start-ups.
Triển lãm tổ chức song song với Diễn đàn, gồm các gian hàng của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp ICT hàng đầu của Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT trong các lĩnh vực kinh tế chia sẻ, đô thị thông minh (smartcity) & IoT, giải pháp hạ tầng viễn thông và internet, thương mại điện tử (e-commerce) và khởi nghiệp (start-ups).
Ngoài ra còn có các gian hàng của Hà Nội, TP.HCM, Lâm Đồng,... giới thiệu về kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT-TT của địa phương.
Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT-TT nước ngoài, năm 2016 tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn. |
http://vietnamnet.vn - D.Anh